Triển vọng của cây Sâm Lai Châu
Đặng Thị Phương Dung
Thứ Năm,
19/01/2023
Đây là bài viết về triển vọng của cây Sâm Lai Châu...
“Quốc Bảo tỷ đô” nơi tận cùng Tổ quốc
Chỉ cần một vạt núi nhỏ xíu, rộng ngàn héc ta, trồng sâm trên dải núi này, khi cây sâm mọc lên tươi tốt, thì kho báu ngàn tỷ sẽ hiện ra trước mắt.
Dãy núi của loài sâm quý
Xã Pa Vệ Sử thuộc huyện Mường Tè (Lai Châu), nằm ở lưng chừng dãy Pu Si Lung huyền thoại, nơi có đỉnh núi cao 3.083m so với mặt nước biển. Cả dải núi xa xôi hùng vĩ này, chỉ có người La Hủ sinh sống.
La Hủ là dân tộc thiểu số, được Nhà nước quan tâm đặc biệt để bảo tồn nòi giống, vì chỉ có khoảng 9.000 người. Những con đường xe máy dốc ngược trên độ cao 2.000m đã đến được với những bản La Hủ, nỗ lực đưa họ ra khỏi rừng già.
Năm 2014, nghe đồn Pu Si Lung có loài sâm quý, tôi đã tìm đến dãy núi xa xôi tận cùng Tổ quốc này để tìm hiểu.
Tôi là một trong số ít nhà báo thích núi non rừng thẳm và đam mê tìm hiểu đến tận cùng những loài dược liệu quý và giải mã chúng để toàn dân biết đến. Sâm là thứ mà tôi đặc biệt để tâm.
Nhớ lại, từ năm 2008, lang thang khắp dãy Hoàng Liên Sơn, tôi đã được “người rừng” Trần Ngọc Lâm kể nhiều về loài tiết trúc sâm. Tiết trúc sâm có nhiều loại, nhưng riêng loại có mặt ở sườn tây Hoàng Liên Sơn, dãy Pu Sam Cáp, dãy Pu Si Lung, đều thuộc tỉnh Lai Châu là loài quý nhất. Ngày đó, ông Trần Ngọc Lâm từng nhổ được một búi củ tiết trúc sâm, có lẽ gồm cả chục cây, mọc đan bện vào nhau suốt hàng trăm năm, đếm được tới 800 đốt, ở sườn tây dãy Hoàng Liên Sơn. Ông bẻ ra chia cho bạn bè, rồi thả vào bình rượu. Câu chuyện ấy, đăng trên Báo điện tử VTC News, gây sốt dư luận.
Khi đó, tôi đã tìm lên Hoàng Liên Sơn, cùng ông Lâm lăn lộn khắp rừng già phía tây dãy núi này, tìm hiểu về loài sâm quý. Thật buồn, khi đồng bào Mông rồng rắn vào rừng sục sạo, rồi cõng những gùi sâm lặc lè trên vai bán cho đầu nậu Trung Quốc với giá rẻ mạt như khoai, sắn.
Ngay thời điểm đó, tôi đã khẳng định loài sâm này chẳng khác gì sâm Ngọc Linh, và viết cả chục bài báo phản ánh tình trạng chảy máu sản vật quý, nhưng chẳng ai quan tâm cả. Sau này, củ sâm ở Lai Châu được người Trung Quốc thu mua với giá cả chục triệu đồng, cũng chẳng ai quan tâm và tìm hiểu vì sao họ lại mua, và mua cái củ như củ gừng đó để làm gì. Khi những củ sâm quý, nặng cả kg, có giá đến cả tỷ bạc, gây sốt trên mạng, chúng ta mới giật mình, thì cũng là lúc chúng chẳng còn trong rừng nữa.
Quay lại câu chuyện từ năm 2014, nghe đồn dãy Pu Si Lung có loài sâm đen quý, tôi liền bỏ cả tháng mò mẫm trong rừng già với người La Hủ.
Ba lô đầy quần áo, thức ăn, lều bạt, tôi cùng mấy thanh niên La Hủ xuất phát từ bản Sín Chải A (Pa Vệ Sử. Mường Tè) cuốc bộ 2 ngày trời, thì đến cánh rừng nguyên sinh, trên độ cao 2.000m.
Với sự hiểu biết vốn có, tôi cứ men theo dải núi ở độ cao 2.000m mà đi. Ở bình độ này, với những cánh rừng chưa có dấu chân người, rất dễ tìm thấy những quần thể sâm.
Khi đó, loài sâm này còn ít ai để ý. Người ta vẫn gọi là tam thất đen và nhổ được củ nào, thì đem hết sang Trung Quốc bán, vì chợ biên giới Trung Quốc ở ngay bản Sín Chải. Thậm chí, người Trung Quốc mang tiền sang đưa trước cho người La Hủ, rồi cứ vài hôm họ lại sang lấy sâm mang về.
Thời điểm đó, sâm ở Pu Si Lung còn nhiều, nên chẳng khó khăn gì, khi vài ngày đi theo những thanh niên La Hủ chuyên đào bới dượu liệu cho người Trung Quốc, tôi đã được tận mắt những chiếc lá xòe làm 5 cánh, 7 cánh, với cái thân nhỏ xinh tím ngắt. Đó chính là tiết trúc sâm loại vô cùng hiếm, giá trị, loài mà sau này các nhà khoa học đã xác định danh tính, đặt tên nó là Sâm Lai Châu, với pháp danh khoa học là Panax Vietnamensis var. fuscidicus. Cào lớp đất mùn bề mặt, thì thấy phần củ như con sâu bò lổm ngổm. Với kinh nghiệm đi rừng, tôi tin rằng, sự xuất hiện tiết trúc sâm ở khu rừng chưa có dấu chân người, báo hiệu rằng, sẽ có một quần thể. Đúng như đự đoán, chốc lát chúng tôi lại gặp một vài cây sâm mọc lẫn với đám cây bụi, ở những khu vực thoáng, nơi có ánh sáng yếu ớt lọt xuống vào một thời điểm ngắn trong ngày.
Gạt lớp đất phủ một củ sâm, tôi dùng móng tay cấu nhẹ một miếng ở u mấu, thì lộ ra màu tím thẫm, đến mức gần như màu đen. Nhai miếng sâm nhỏ xíu thì thấy vị đắng, rồi vị ngọt hậu quấn quyện ở đầu lưỡi, cuống họng. Quá là kinh ngạc, khi lần đầu tiên được tận mắt củ tiết trúc sâm quý như vàng ròng, vô cùng hiếm hoi, ở khu rừng bị lãng quên này. Loài sâm này, là anh em gần nhất của sâm Ngọc Linh, loài sâm mà vào thời điểm 2014 cũng đã có giá cả trăm triệu đồng một kg.
Đánh thức kho báu
Loạt bài khám phá Pu Si Lung phát hiện loài sâm quý đăng trên Báo điện tử VTC News được sự quan tâm đặc biệt. Nhiều doanh nhân đã gặp tôi, nhờ đưa đi thực địa. Có cả doanh nhân từ TP.HCM bay ra, để đến Mường Tè. Thế nhưng, sau 2 ngày đánh vật trên ô tô, xanh mặt vì đường sá, thì các doanh nhân đều bỏ cuộc. Đường sá xa xôi, hiểm trở, rừng rú hoang rậm, thiếu thốn đủ thứ, nên ít ai có đủ quyết tâm và đam mê để trồng trọt thứ củ lớn rất chậm, mỗi năm mọc ra được một đốt ngắn tũn.
Đầu năm nay, tôi quay lại Pa Vệ Sử khi nghe tin có một doanh nghiệp đang di thực trồng sâm ở trên dãy Pu Si Lung và người La Hủ đã có ý thức bảo tồn loài sâm quý này.
Đường vào xã Pa Vệ Sử vẫn dốc dác và khó khăn như vậy. Nhưng con đường từ Đồn biên phòng Pa Vệ Sử vào bản Sín Chải B đã được người dân tu sửa. Đoạn đường chỉ có 10km, nhưng cao độ chênh lệch hơn 1.000m, khiến nó như đường đi thẳng lên giời. Đường đã mở rộng, vừa ô tô đi, nhưng năm nào mưa lớn, là nước xối giữa đường, trôi sạch đất, tạo ra những con rãnh lớn, với đá hộc, đến xe máy cũng phải vừa đi vừa đẩy. Năm nay, người La Hủ rủ nhau kè đá, để xe máy đi được, và cũng vì thế mà những chiếc xe bán tải hai cầu lên được hai bản Sín Chải A và Sín Chải B. Và, để đi hết con đường 10km đó, những chiếc ô tô đầy sức mạnh phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ bò lổm ngổm từng mét.
Ngay bên đường, đầu bản Sín Chải B, là một mảnh đồi bị san phẳng. Mảnh nương nhỏ đánh luống, được che bởi những tấm lưới màu đen mắt dày, đặc trưng của những vườn trồng tam thất theo cách của Trung Quốc. Thấy người lạ vào bản, người đàn ông từ căn nhà mái tôn cạnh đó ló đầu ra nhìn chúng tôi với ánh mắt nghi hoặc. Ông là bảo vệ của công ty Liên Phương, được thuê trông nom vườn sâm, nên cảnh giác với người lạ cũng phải. Pờ A Hừ (trưởng bản Sín Chải B) giới thiệu tôi là khách, thì ông niềm nở pha trà, mời uống. Theo trưởng bản Hừ, thì công ty Liên Phương thuê đất của dân, trồng được vài ngàn cây giống, nhưng đang mùa rụng lá, nên chẳng xem được gì. Rồi Pờ A Hừ dẫn chúng tôi vào bản.
Bản Sín Chải B nằm trên độ cao đúng 2.000m, trên lưng một quả núi. Theo Pờ A Hừ, thì cỡ hơn chục năm trước, loài sâm này, người Trung Quốc gọi là tam thất hoang, họ vẫn thu mua nhưng giá rẻ, vài trăm ngàn một kg. Người La Hủ vào rừng nhổ được nhiều. Họ phơi khô, bán sang Trung Quốc, thi thoảng đưa cho bọn trẻ xuống trường biếu thầy cô giáo. Nhiều khi, thầy cô chê đắng cũng chẳng thèm ăn. Chẳng ai ngờ, bỗng dưng nó đắt đến vậy. Nhưng, khi củ sâm đắt quá, thì núi rừng đã cạn kiệt.
Theo lời trưởng bản Pờ A Hừ, mấy năm nay, khi củ sâm ở dải núi này quá đắt, nhổ ngoài tự nhiên đã hết, thì người La Hủ ở bản Sín Chải B đã có ý thức trồng và bảo tồn nó. Cả bản Sín Chải B chỉ có 49 hộ dân, nhưng hầu như nhà nào cũng trồng một vài cây sâm trong nhà. Người La Hủ không có tiền mua giống, nhưng họ vào rừng lần lục, nhổ được cây nào, là trồng lại trong vườn để tạo giống.
Pờ A Hừ dẫn tôi đi vòng quanh mấy ngôi nhà gỗ dựng sin sít, liên thông với nhau, ra một khu vườn bé tẹo. Con chó dữ buộc dây ở cổ ngồi phủ phục ngay đầu vườn. Trong mảnh vườn nhỏ xinh ấy, Hừ trồng mấy loại dược liệu quý, như thất diệp nhất chi hoa, cỏ nhung và đặc biệt là lổm ngổm những củ sâm như con rắn bò trên mặt đất. Mùa đông, những lá sâm đang tàn úa dần. Tôi thấy, có cả những củ tiết trúc ruột trắng, ruột vàng, và phần lớn là những cây sâm tím lịm, mọc ra từ cái thân nhiều đốt. Đó chính xác là những củ sâm Việt Nam cực kỳ quý giá. Những củ sâm bằng ngón tay cái, nặng cỡ một lạng, nhưng có giá cả chục triệu đồng. Pờ A Hừ bảo, tất cả những củ sâm này, đều được cậu lấy về từ rừng và Hừ không bao giờ có ý định bán đi, mà trồng lại nó để nó ra hoa, kết hạt, lấy giống gieo tiếp. Hừ đã san một vách núi, dựng nhà lưới màu đen, đánh luống và gieo những hạt sâm thu hoạch 2 tháng trước. Chỉ chờ mùa xuân đến, là hạt sâm nảy mầm vươn thân, ra lá thành cây sâm con.
Pờ A Hừ dẫn tôi đi xuyên qua ngôi nhà ngay cạnh mảnh vườn nhỏ của cậu, sang nhà bố đẻ Hừ, và tôi đã lạc vào một mảnh vườn nhỏ, với lưới đen che giảm ánh nắng. Phía dưới những tấm lưới rách nát đó, là những “con rắn vàng ròng” bất động trong tư thế lổm ngổm. Thật khó tin, khi người đàn ông La Hủ với cuộc sống nghèo khó, trong nhà chỉ có chiếc xe Tàu rách nát trị giá vài triệu, lại bảo tồn những củ sâm có giá cả trăm triệu trong vườn nhà, để nhân giống chúng. Pờ A Hừ bảo, bố đẻ cậu ngày ngày vào rừng săn tìm sâm quý, nhưng, ông chỉ mang những cây sâm ở gần, dễ bị phát hiện về vườn nhà trồng, còn những cây sâm ở vị trí xa xôi, hiểm trở, bí mật, ông vẫn để nó ở yên trong rừng, rồi cứ mùa giữa thu, khi hạt sâm đỏ chót, ông đem về vườn ươm giống, nhân rộng mảnh vườn của mình.
Đứng ở Sín Chải B, những hôm trời trong xanh, phóng tầm mắt, thấy làng bản Trung Quốc ngay dưới chân núi. Người La Hủ vẫn có họ hàng, anh em bên Trung Quốc, và họ vẫn đi về, ít quan tâm đến mốc giới hành chính. Phía bên đó, là huyện Kim Bình của Trung Quốc, là thủ phủ trồng tam thất và trồng sâm Việt Nam. Người Trung Quốc đã thu mua sâm quý từ mấy chục năm qua và trồng như tam thất. Khi người Việt chuộng sâm này, thì Trung Quốc đã phát triển, nhân giống, gieo trồng suốt cả chục năm nay và cung cấp cho thị trường Việt Nam. Có thể nói, 95% lượng sâm Ngọc Linh đang bán ở thị trường Việt Nam đến từ vùng Kim Bình.
Tôi ngồi giữa bản Sín Chải B, nhìn những dải núi mênh mông ngút tầm mắt – nơi phù hợp mọi nhẽ với loài sâm quý nhất, bị bỏ hoang cho lau lác mọc lên vì rừng bị chặt phá, đốt cháy nham nhở, mà cảm thấy tiếc nuối. Nếu như, các doanh nghiệp lớn đầu tư trồng sâm, nhân giống, với kỹ thuật của nông dân và chuyên gia đến từ Trung Quốc, y hệt kỹ thuật trồng tam thất, với giá trị 30 đến 100 triệu đồng/kg sâm trồng như hiện tại, thì mỗi héc ta, sau 5-10 năm, có thể thu hoạch cả trăm tỷ đồng – một thứ doanh thu và lợi nhuận cực kỳ khủng khiếp.
Chỉ cần một vạt núi nhỏ xíu, rộng ngàn héc ta trồng sâm trên dải núi này, khi cây sâm mọc lên tươi tốt, thì kho báu ngàn tỷ sẽ hiện ra trước mắt.
Vườn sâm công nghệ cao trên đỉnh giời
Đứng ở lòng hồ thủy điện Sơn La, chỗ chân dốc Pa Tần – nơi bắt đầu vào Mường Tè, ngửa mặt lên giời, thấy dãy núi hùng vĩ, xanh thẫm, nhô hẳn lên khỏi những trùng điệp núi non, thi thoảng hiện ra khỏi mây, là dãy Pu Sam Cáp. Xuyên qua những cánh rừng, dốc ngược vòng vèo vắt vẻo qua những điện trùng núi non, xuyên qua những mây mù, thì đỉnh Pu Sam Cáp trong veo hiện ra giữa những ngày đông.
Đỉnh Pu Sam Cáp có một sống núi rất đẹp, dân xê dịch gọi là “sống khủng long” thuộc xã Sà Dề Phìn (Sìn Hồ, Lai Châu). Đứng ở “sống khủng long” phóng tầm mắt ra tứ phía, thấy dãy Pu Si Lung nơi Mường Tè xa xa, dãy Hoàng Liên Sơn án ngữ trước mặt, toàn là những dãy núi hùng vĩ nhất Việt Nam. Trên 3 dãy núi hùng vĩ này, đều có “báu vật” của người Việt, đó là thứ sâm độc đáo, được coi là quý nhất thế giới, là “Quốc Bảo” của nước Việt.
Tít tận trên đỉnh dãy Pu Sam Cáp, giữa triền núi đá tai mèo đen sì, bao quanh bởi đại ngàn, những dãy nhà màn dài miên man, lấp lóa phản chiếu ánh mặt trời, là trang trại trồng sâm Lai Châu của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Thái Minh vừa mọc lên một cách thần tốc.
Hàng vạn bao đất mùn xếp cao như núi, cả trăm đồng bào Mông vác đất, xới cỏ, trộn mùn, bón phân trong những dãy nhà màn dài tít hút. Quả thực, trong trí tưởng tượng của tôi, cũng không thể nào hình dung ra được, mới vài tháng qua, mà một mô hình trồng sâm khổng lồ đã hiện hữu.
Tôi nhớ lại cái ngày đầu năm 2022 này, khi ngồi uống trà trên ngôi nhà sàn ngoại ô, thì anh Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Công ty Dược phẩm Thái Minh gọi điện xin gặp hỏi chuyện, vì biết tôi đi nhiều, đam mê rừng núi. Thái say mê với ý tưởng trồng rừng. “Kiếm tiền thì không biết bao nhiêu mới hài lòng, nhưng ngay lúc này, khi chuẩn bị sang tuổi 40, em muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa với Tổ quốc, với nhân loại. Có lẽ, em muốn đi trồng rừng. Em tính trồng ở nơi thật xa xôi, nơi đồng bào còn nghèo. Lai Châu là một điểm em mong muốn làm!”.
Nguyễn Quang Thái nhắc đến Lai Châu, là bao kỷ niệm với những dãy núi cao, những cánh rừng thẳm, với những loài dược liệu quý, nảy số trong đầu. Tôi bảo: “Rừng Lai Châu cũng nhiều, trồng thêm cũng tốt, nhưng để bảo vệ được rừng, thì bà con phải no bụng. Cây sâm Lai Châu là cánh cửa không chỉ giúp bà con thoát nghèo, mà còn làm giàu. Nhưng, để bà con làm, thì chúng ta phải làm nêu gương đã”.
Vài hôm sau, Nguyễn Quang Thái gọi điện cho tôi, bảo đã nghiên cứu về cây sâm, và ngạc nhiên khi biết Lai Châu cũng có một loại sâm cực quý, y hệt như sâm Ngọc Linh. Thái và công ty quyết tâm sẽ cùng bà con trồng sâm, cùng bà con làm giàu trên vùng đất nghèo đói này. Vậy là chúng tôi lên đường, đi tìm đất trồng sâm.
Tôi đưa Thái đi khắp đất Lai Châu, lên tận chân dãy Pu Si Lung (Pa Vệ Sử, Mường Tè), để cảm nhận sự khốc liệt của đường sá, núi non, rừng thẳm, đi dọc huyện Phong Thổ sườn Tây Hoàng Liên Sơn, nơi có loài sâm này, để thấy sự hoang thẳm của đại ngàn, để rồi, chọn dãy Pu Sam Cáp mờ sương, nơi cao tới 2.000m và lạnh lẽo thấu xương – cái lạnh đủ để loài sâm quý phải rụng lá, ngủ say trong mùa đông, bật mầm khi đào nở, như triệu năm qua chúng vẫn sinh trưởng trên dải núi này.
Đi khắp đỉnh Pu Sam Cáp, đi hết các thôn bản của người Mông ngạo nghễ trên đỉnh giời, rồi Thái cũng chọn được vách núi thơ mộng, nơi trọc lốc không một cây to, nơi cây ngô nhọc nhằn trổ bắp giữa kẽ đá, nơi xám xịt một màu đá tai mèo. “Cuộc sống nghèo khó giữa chốn bồng lai tiên cảnh, khiến em xúc động mạnh, và ngay lập tức em quyết tâm phải làm thật lòng anh ạ!” – doanh nhân Nguyễn Quang Thái nói.
Tôi nhấc điện thoại gọi cho cậu em kỹ sư lâm nghiệp Dương Thanh Lâm, vốn là chuyên gia trồng trọt của Viện Dược liệu, mà tôi quen hồi tìm hiểu về Giảo cổ lam từ 17 năm trước, khi Lâm cai quản vườn dược liệu trên Tam Đảo. Chàng kỹ sư này đã rời bỏ Nhà nước, chui rúc trong núi Ngọc Linh suốt 13 năm qua, để nghiên cứu, trồng trọt, nhân giống loài sâm Ngọc Linh – “Quốc Bảo” của Việt Nam. Trình bày ý tưởng và khát vọng làm giàu cùng bà con ở vùng đất nghèo nhất nước, xa nhất nước từ cây sâm Lai Châu, Lâm liền bay ra luôn. “Em nghiên cứu kỹ về cây sâm lắm rồi. 13 năm ở trong rừng, trả giá cả tuổi thanh xuân, nhưng tích lũy đủ kinh nghiệm rồi. Sâm Lai Châu với sâm Ngọc Linh bản chất gần như là một, khác địa danh và một chút trên dải gen thôi. Ở núi Ngọc Linh thì khó làm lớn, nhưng Lai Châu thì có thể. Cho nên, khi gặp người cùng ý tưởng, là như cá gặp nước” – Lâm hào hứng nói.
Điều mà khó ai có thể tin được, từ lãnh đạo địa phương, đến doanh nghiệp làm nông nghiệp, cũng không thể tin được, là làm thế nào, chỉ sau 7 tháng, một dải núi đá tai mèo xám ngoét dốc ngược, đã biến thành một nông trang khổng lồ. Dẫn tôi đi trong vườn sâm trồng trong nhà màng, nơi hàng ngàn cây sâm đang rụng lá, hàng vạn cây sâm giống đang nhú mầm, Dương Thanh Lâm giải thích: “Hồi ở trong Măng Đen, Kon Tum, có thời gian em làm quản lý trang trại nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn Vingroup, nên việc triển khai mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã có hết trong đầu em rồi, cứ thế là làm thôi. Nhiều năm ở trong rừng, suy ngẫm, em rút ra kết luận, chỉ có trồng sâm theo mô hình nhà màng công nghệ cao thì mới đem lại năng suất lớn, hiệu quả cao, chứ cứ chui rúc trong rừng rất vất vả, rủi ro nhiều, mà thực sự cũng làm ảnh hưởng đến thảm thực vật rừng nguyên sinh. Ý tưởng có trong đầu, lại có nguồn lực tài chính tốt, thì triển khai nhanh thôi. Đây là mô hình trồng sâm đầu tiên ở Việt Nam. Hy vọng thành công, sẽ là cảm hứng cho các doanh nghiệp làm theo, đặc biệt là bà con nông dân trong vùng, sẽ được bọn em hướng dẫn đầy đủ, kỹ càng, nghiêm túc”.
Đứng dưới gốc cây cô đơn, trên mỏm núi đá tai mèo cạnh vườn sâm, nơi cây ngô nhọc nhằn mọc trên hốc đá, ngắm toàn cảnh huyện Sìn Hồ xinh đẹp, tôi có niềm tin lớn vào sự đổi thay của vùng đất đói nghèo này, vào một ngày không xa. Cách nay 15 năm, cố dược sĩ Nguyễn Hữu Khai cùng Tập đoàn Đông dược Bảo Long đã khoanh nửa ngàn héc ta, rầm rộ khai trương doanh nghiệp, xây dựng cơ sở vật chất, với khát vọng biến Sìn Hồ thành thủ phủ dược liệu, giúp bà con thoát nghèo. Ngày đó, chính quyền và nhân dân mang niềm tin lớn lắm. Nhưng ông Khai tuổi đã cao, sức đã yếu, tiềm lực tài chính kém, ông cũng đã qua đời mấy năm trước, nên bỏ hoang suốt từ đó đến nay. Mới đây, Công ty Sao đỏ, dưới sự hỗ trợ của chuyên gia sâm hàng đầu Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, nơi một số đại gia có tiềm lực tài chính đứng sau, đã nhận bàn giao lại dự án và triển khai trồng dược liệu, không chỉ trồng sâm Lai Châu mà còn di thực sâm trong núi Ngọc Linh ra đây nhân giống trong nhà màng công nghệ cao của Nhật Bản.
Với sự vào cuộc của hai doanh nghiệp trồng sâm công nghệ cao ở Sìn Hồ, cùng cả chục doanh nghiệp lớn, cả chục hợp tác xã, cả ngàn hộ dân nhỏ lẻ đang âm thầm trồng sâm dưới tán rừng ở Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ, Tam Đường, trên các dãy núi Pu Si Lung, Pu Sam Cáp, Hoàng Liên Sơn, thì có thể mơ tưởng về một ngày Lai Châu sẽ là một vựa sâm khổng lồ, đem lại cả tỷ đô cho vùng đất xa xôi tận cùng Tổ quốc!
Box: Xứng danh “Quốc Bảo”
Mới đây, để động viên bà con, các doanh nghiệp trên địa bàn, tích cực trồng sâm, cũng là muốn quảng bá thương hiệu sâm Lai Châu, nên UBND tỉnh Lai Châu đã tổ chức hội chợ sâm ở TP. Lai Châu, tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, hội thảo khoa học về loài sâm này. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến hội chợ và Chủ tịch nước mong muốn sâm Ngọc Linh cùng sâm Lai Châu phải xứng danh là “Quốc Bảo của Việt Nam”. Chủ tịch nước mong muốn, việc phát triển sâm không nên chỉ làm giàu cho doanh nghiệp, mà phải tạo công ăn việc làm, làm giàu cho bà con đồng bào thì mới bền vững.
Hội chợ không có nhiều sâm nguyên liệu, nhưng khá nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia. Hội chợ được tổ chức không phải với mục đích bán vài chục ký sâm, mà các doanh nghiệp, các hợp tác xã cùng tham gia để biểu thị quyết tâm của mình với sự phát triển của cây sâm ở Lai Châu.
Hoa Sâm Lai Châu (Nguồn internet)
(nguồn: FB Phạm Dương Ngọc)