Loài chuối cô đơn ở rừng Ninh Thuận
Đặng Thị Phương Dung
Thứ Sáu,
13/01/2023
Trên rừng Phước Bình có loài chuối tên gọi cô đơn bởi mỗi cây sống đơn độc từ khi nảy mầm cho đến khi chết, không mọc cây con như chuối thông thường.
Phước Bình, xã vùng cao của huyện Bác Ái, xa nhất tỉnh Ninh Thuận, cách Phan Rang 70 km. Nơi đây được bao quanh bởi những dãy núi trùng điệp xanh ngát cây rừng. Dòng sông Đa Mây đầu nguồn Lâm Đồng xuôi về, uốn lượn, tưới mát cho thung lũng. Mùa nắng, rảnh rỗi việc đồng áng, người Raglai ở xã Phước Bình thường ngược sông Đa Mây lên rừng tìm chuối cô đơn, còn gọi là chuối mồ côi.
Anh Bình Tô Hà Duyên, người dân địa phương, cho biết sở dĩ nó được dân làng đặt tên là chuối cô đơn, vì chỉ mọc một cây, sau khi ra buồng và trái chín, thân cây sẽ chết, nhưng không nảy cây con bên dưới gốc như các loài chuối khác. "Chuối này chỉ nảy cây con bằng hạt. Hạt chuối khi chín khô rơi xuống đất, phân tán khắp nơi, gặp chỗ đất ẩm sẽ mọc ra những cây con lẻ loi", anh Duyên nói.
Đứng bên sông Đa Mây, anh Duyên chỉ về hướng vách đá bên kia sông. Nơi chỗ trống không có những tán cây lớn che lấp, một cây chuối cô đơn cao khoảng 1,2 m, đang đứng một mình. Nếu độ ẩm đảm bảo, cây chuối này trưởng thành cao 4-5 m. Càng lớn, gốc càng phình to, đường kính 40-50 cm và nhỏ dần lên trên.
Theo anh Duyên, từ khi hạt mọc lên cây con cho đến lúc trổ buồng mất hơn 18 tháng. Búp chuối nở ra chừng 8-10 nải, trái tròn trịa nằm khít nhau. Các nải chuối từ cuống xuống dưới được che phủ bởi các lá mo màu xanh, hình thể trông giống như một bông hoa sen đang nở. Khi những trái chuối bắt đầu già và chín vàng cũng là lúc lá và thân chuối dần khô rụi, chết đi, tất cả dưỡng chất tập trung vào buồng chuối chín thơm lừng.
Người đi rừng tìm kiếm, chặt bỏ vào gùi đưa về nhà, tách vỏ phơi khô, hoặc mang ra suối dùng con dao nhọn tách hết lớp cơm màu trắng, sàng lấy hạt. Mỗi buồng chín tách được 2-2,5 kg hạt, buồng lớn có khi được 3 kg hạt. Hạt chuối cô đơn màu đen, to gần bằng ngón tay trỏ. Bên trong hạt có bột màu trắng, người Raglai xem đó là chất thuốc dùng để chữa sỏi thận, tăng cường sức khỏe.
Ông Đa Rúi Hà Dung, người dân thôn Bố Lang cho biết, ông bà xưa trong làng thường dùng hạt chuối này sắc nước uống chữa bệnh thận, sưng phù nề, trị đau lưng, nhức mỏi xương khớp... "Nếu không sắc nước uống có thể ngâm rượu uống trong mỗi bữa ăn sau một ngày lao động vất vả", ông Dung nói.
Hiện nay, nhiều người dân Phước Bình vẫn lưu truyền phương pháp dùng hạt chuối cô đơn khô bỏ lên chảo rang vàng rồi hạ thổ, sau đó ngâm với rượu gạo 3 tháng 10 ngày để cho ra loại rượu có màu vàng giống Chivas. Do đó, người dân Ninh Thuận thường gọi loại rượu chuối này với tên gọi sang chảnh "Chivas Phước Bình" mỗi khi đãi khách quý.
Trên thị trường, hiện chuối Cô đơn Phước Bình chưa tách cơm phơi khô có giá 50.000-60.000 đồng một kg; còn hạt khô có giá dao động 80.000-120.000 đồng một kg, tùy chất lượng. Ngoài hạt, người vùng cao Phước Bình còn dùng búp chuối và thân cây chuối nấu canh, lẩu hoặc chế biến các món ăn dân dã, kết hợp các loại rau rừng và cá suối có sẵn trong tự nhiên.
Ông Huỳnh Quang Vinh, Trưởng trạm kiểm lâm Gia É (Vườn quốc gia Phước Bình), cho biết chuối cô đơn có nhiều trên các cánh rừng dọc sông Đa Mây cũng như các dãy núi trong lâm phận của vườn quốc gia. Chuối mọc riêng lẻ, đơn chiếc, không theo đám, theo bụi như các loại chuối khác.
Để tránh bị thu hái cạn kiệt, gần đây, Vườn quốc gia Phước Bình đã lấy hạt chuối cô đơn tự nhiên trên rừng mang về nghiên cứu nhân giống tại vườn ươm để bảo tồn.
"Một số nông dân xã Phước Bình đã được chuyển giao kỹ thuật nhân giống để trồng loài chuối trên đất rẫy", ông Vinh nói và cho biết đến nay nhiều hộ dân đã trồng thành công, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
(Nguồn: Vnexpress.net)